image banner
Di tích văn hóa

Di tích kiến trúc nghệ thuật "Miếu Bà Ngũ Hành" (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Miếu bà Ngũ hành Long Thượng, tọa lạc bên bờ Rạch Tràm đối diện chợ Long Thượng- xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc. Đó là một ngôi miếu cổ, một thiết chế văn hóa làng xã được hình thành trong quá trình khai hoang, lập làng của cư dân địa phương, thờ năm yếu tố vật chất theo thuyết Âm Dương Ngũ Hành được tín ngưỡng hóa thành năm vị phúc thần là Ngũ Hành Nương Nương mà dân gian tin rằng có quyền năng trong các lĩnh vực liên quan đến vàng, bạc (kim), gỗ, cây (mộc), sông nước(thủy), củi lửa (hỏa) và đất đai (thổ), giúp cho mưa thuận gió hoà, bảo hộ nghề nghiệp. Miếu tọa lạc trên diện tích khoảng 500m2 trước chợ Long Thượng, qua lần trùng tu năm 1950, miếu vẫn còn giữ được nét cổ kính qua kiến trúc tứ trụ truyền thống kiểu đình làng, mái ngói âm dương, nóc trang trí các mô típ cổ điển như "lưỡng long tranh châu", "nhựt nguyệt",.. Miếu được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 1997 (Quyết định số 400/UBQĐ ngày 22/2/1997).

Đối tượng thờ chính là Ngũ Hành Nương Nương được thể hiện trên tranh nổi bằng gỗ, sơn màu, hình vuông, vị trí của mỗi bà theo màu áo và phương hướng Đông (Mộc), Nam (hỏa),Trung ương (thổ), Tây (kim), Bắc (thủy). Dù vậy, qua lối phối tự các vị trong bài trí thờ tự cho thấy nơi đây có sự dung hợp tín ngưỡng và Ngũ Hành Nương Nương ở đây tuy có nguồn cội sâu xa về triết lý Âm Dương-Ngũ Hành của Khổng giáo, Lão giáo ở Trung Hoa xưa nhưng về cơ bản mang yếu tố Việt. Các đối tượng phối tự trong miếu là một hệ thống cấu trúc như trong một ngôi đình Nam Bộ như; Tả ban, Hữu ban, Tiền hiền, Hậu hiền, Tiên sư, Thái giám Bạch mã, Thanh Long Bạch Hổ,.. bên cạnh Phật Quan Am Bồ Tát và các đối tượng thờ gốc Hoa do quá trình cộng cư như Quan Thánh đế Quân, Thiên Hậu Thánh Mẫu. Đặc biệt, Nguyễn Hữu Tình, người được tương truyền đã chiêu mộ nghĩa binh ở địa phương chống Pháp trong phong trào Trương Định, hy sinh, cũng được nhân dân tôn kính lập bài vị thờ trong miếu. Toàn bộ được tôn trí một cách hài hòa trong chánh điện với hoành phi, câu đối, câu liễn, lỗ bộ được chạm trổ tinh vi, vàng son rực rỡ, thể hiện giá trị văn hóa vật chất, tinh thần tinh túy nhất của cộng đồng địa phương trong quá khứ.

Với lịch sử hơn 100 năm và trở thành nét văn hóa truyền thống của đất và người nơi đây,đặc biệt là Lễ hội Vía bà Ngũ Hành diễn ra vào dịp đại lễ Cầu an được tổ chức khá long trọng trong ba ngày 19, 20 và 21 tháng Giêng. Từ năm 2000 đến nay, do lượng khách hành hương quá đông, lễ Cầu an được kéo dài thêm 1 ngày (ngày 18). Cứ sau tết Nguyên Đán và rằm tháng giêng hàng năm, nhân dân trong vùng lại náo nức nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ hội của mình. Dưới sự giám sát của Ban hội hương, mỗi người theo chức trách được phân công bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ. Thanh niên thì tập trung vào việc dọn dẹp vệ sinh, treo đèn kết hoa, dựng rạp, kê bàn ghế, lau chùi, đánh bóng bàn thờ, đồ thờ. Phụ nữ thì lo việc hậu cần, đem gạo, hoa trái, rau củ,…đến hiến cho miếu để chuẩn bị tiếp đãi khách hành hương. Mọi người đều náo nức mong chờ ngày cử hành lễ Cầu An.

Diễn trình nghi lễ gồm các nội dung sau:

- Ngày 18 tháng giêng: lễ Khai môn thượng kỳ, lễ Mộc Dục, lễ Khai chung cổ, hương chức đình Long Thượng và miếu Kim Điền cúng Bà, lễ Khai mạc lễ hội (do chính quyền sở tại tổ chức), tiếp đãi quan khách và khách thập phương đến chiêm bái Ngũ Hành Nương Nương, Phật tử chùa Long Hoa tụng 3 thời kinh cầu an vào lúc 18-20 giờ, 23-24 giờ, 4-5 giờ.

- Ngày 19 tháng giêng: hát Bóng rỗi và múa bóng ca tụng sự linh hiển và công đức của Bà, lễ Đại bội, hát tuồng.

- Ngày 20 tháng giêng: lễ Túc yết, hát Bóng rỗi và múa bóng, hát chặp Địa Nàng.

- Ngày 21: lễ Đoàn Cả, Ban hội hương cùng Ban quản lý di tích họp tổng kết lễ hội.

Lễ vật cúng là những sản phẩm có nguồn gốc nông nghiệp mà địa phương sản xuất, gồm: thịt, xôi, trà, rượu, bánh, trái. Theo lệ xưa, thịt dùng để cúng Ngũ Hành nương nương là thịt heo.Trong lễ Yết, heo cúng Bà được gọi là heo Yết, trọng lượng khoảng 1 tạ, và phải là heo có sắc lông đen tuyền. Tuy nhiên, do khan hiếm nên ngày nay quy định này cũng được chế giảm. Ngoài ra, một số khách hành hương còn dâng cúng Ngũ Hành Nương Nương đầu heo luộc, heo quay, vịt quay trong lễ Cầu an. Xôi là lễ vật không thể thiếu vì là sản phẩm đặc trưng của nghề nông-nghề nghiệp của đại đa số nhân dân trong vùng.Trà, rượu, bánh, trái thường được chọn loại ngon nhất để dâng cúng. Bánh trái, hoa quả thì mùa nào thức ấy, tùy lòng hảo tâm, có thể dâng cúng bất kỳ loại hoa quả, bánh trái nào mà không cần kiêng kỵ.

Trong suốt bốn ngày, Lễ hội Vía bà Ngũ Hành Long Thượng thực sự là một ngày hội của nhân dân địa phương và khu vực với các hoạt động cầu an, hội hè vui chơi và giao lưu cộng đồng.

Lễ hội Vía bà Ngũ Hành Long Thượng qua nghi thức cúng tế có thể thấy rằng ngoài nghi thức của một Lễ Kỳ Yên ở đình thờ Thần Hoàng bổn cảnh như Khai môn thượng kỳ, Khai chung cổ, Mộc dục, Đại bội, Túc yết và Đoàn cả, do tính chất thờ nữ thần nên Lễ Vía bà Ngũ Hành Long Thượng có nghi thức không thể thiếu, gọi chung là hát bóng rỗi. Đó là một hình thức diễn xướng tổng hợp được hình thành từ sự tiếp nhận, chắt lọc của nhiều dòng văn hóa, có chức năng thực hành nghi lễ, mà qua các trò diễn dân gian như khai tràng, thỉnh tổ - chầu mời, dâng bông, dâng mâm, bán lộc, an vị, mời tiên ra tuồng, Phước Lộc, Địa Nàng, nghinh bà và các trò diễn tạp kỹ khác, ngày nay lại có múa lân.., chúng ta có thể thấy bóng dáng của văn hóa Chăm trong nghệ thuật múa, văn hóa Hoa trong nội dung, đề tài và nghi thức cúng tế, văn hóa Việt trong nhạc lễ và đặc biệt trò diễn dân gian vui nhộn của Nam Bộ. Tụng kinh cầu an trong đêm 18 của Phật tử chùa Long Hoa cũng là điểm đặc biệt, cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa tôn giáo và tín ngưỡng trong cộng đồng dân cư nơi đây.

Do tính chất hội tụ này mà lễ hội Vía bà Ngũ hành Long Thượng đã thu hút quảng đại quần chúng nhân dân, với hàng chục ngàn người hành hương, lễ bái, cầu an, giao lưu, cộng cảm. Vì với trí thức, đó là hình trạng của "Tam giáo đồng nguyên", nhưng với người bình dân, đó là điều kiện (có đủ các vị thần) để chiêm bái, khẩn cầu, giao lưu cộng đồng trong bất cứ trường hợp nào.

Những đặc điểm trên của Lễ hội Vía bà Ngũ Hành ở Long Thượng cho thấy:

- Dưới góc độ tín ngưỡng, tục thờ mẫu nói chung và bà Ngũ Hành nói riêng, người Việt ở Nam Bộ không chỉ tiếp thu, ảnh hưởng, mà thực sự đã hình thành nguồn tín ngưỡng phổ biến, mang tính chất thiêng liêng về phương diện triết lý nhân sinh và nhận thức, thể hiện niềm tin của con người luôn khát vọng vươn lên gặt hái những thành tựu trong cuộc sống.

- Dưới góc độ giải trí, nghệ thuật múa tạp kỹ và những trò diễn xướng là nhằm thoả mãn nhu cầu vui chơi của cộng đồng trong các dịp lễ hội. Nhìn ở góc độ này, các nghệ nhân dân gian của loại hình này xứng đáng được nhìn nhận và đánh giá đúng mức hơn về vị trí của mình trong nghệ thuật truyền thống.

- Dưới góc độ xã hội, các nghi lễ cúng bà gắn với các trò vui là biểu hiện của tình đoàn kết xóm làng, là sự đồng tâm, đồng cảm của cộng đồng về một cuộc sống bình yên, lương thiện và phát triển. Đây là mỹ tục cần bảo lưu giữ gìn.

Gắn liền với những dặm đường lịch sử, Lễ hội Vía bà Ngũ Hành Long Thượng nói riêng, lễ hội tín ngưỡng dân gian nói chung là một bảo tàng sống động và phong phú về đời sống văn hóa- tinh thần của dân tộc. Mặc dù bên ngoài lễ hội bao giờ cũng hướng đến một đối tượng thiêng liêng cần suy tôn: những nhiên thần và nhân thần, nhưng xét cho cùng cội rễ thì đó chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của những vị anh hùng vô danh đã từng khai cơ dựng nghiệp để tạo nên cuộc sống yên vui tốt đẹp cho làng - nước ở đời sau. Đó là những giá trị văn hóa, nhân sinh đích thực mà chúng ta cần có thái độ trân trọng đúng mực, từ đó xác lập một cách ứng xử phù hợp trong việc bảo tồn.

Ngày nay đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hình ảnh cây đa cổ thụ và mái đình cổ kính gợi nhớ cho chúng ta về một thời kỳ nam tiến đầy gian khổ của cha ông đi khai hoang lập ấp trên mảnh đất này. Với ý nghĩa và nhận thức trên, sau khi Miếu Ngũ Hành Long Thượng được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 1997, từ năm 2009 đến nay Lễ hội Vía bà Ngũ Hành tiếp tục được quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, trong việc cũng cố thành lập Ban Quản lý Di tích, Ban hội hương, góp phầ bảo vệ, giữ gìn giá trị văn hóa nghệ thuật đồng thời lưu giữ, nghiên cứu các giá trị phi vật thể. Thiết nghĩ Miếu Bà Ngũ Hành và lễ hội Vía bà hằng năm là một nét văn hóa đặc sắc của nhân dân Cần Giuộc xứng đáng được quan tâm nghiên cứu, bảo tồn, phát triển và cần đánh giá đúng mức giá trị lịch sử của nó, để trở thành một địa điểm du lịch văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển./.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh